Sơ lược về phương pháp Montessori

Montessori là gì?

Được sáng lập bởi Tiến sĩ người Ý Maria Montessori – một chuyên gia trong các lĩnh vực triết học, nhân văn học và giáo dục học, Montessori là một phương pháp giáo dục trẻ bằng việc học tập thông qua các giáo cụ trực quan. Phương pháp giáo dục Montessori giúp thúc đẩy tiềm năng của trẻ thông qua việc tạo ra một môi trường học tập thân thiện, chuyên nghiệp với những giáo cụ học tập chuyên biệt. Phương pháp này tập trung xây dựng nền tảng cho trẻ trong những năm đầu đời, đặc biệt với độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi. Kết quả của việc áp dụng phương pháp Montessori cho trẻ 0 - 6 tuổi một cách hiệu quả là giúp trẻ phát triển đồng đều về tư duy, khả năng thu nhận kiến thức và sáng tạo. Đồng thời rèn luyện được những kỹ năng mềm cần thiết ngay từ khi còn nhỏ như kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, làm việc độc lập và hợp tác nhóm.

Maria_Montessori

5 lĩnh vực của phương pháp Montessori

1. Thực hành cuộc sống

Trẻ được học các bài học liên quan đến tự phục vụ bản thân (mặc/cởi áo khoác, buộc dây giày, chuẩn bị đồ ăn…) và chăm sóc môi trường xung quanh (lau bụi trên lá, tưới cây, lau bụi trên giá kệ,…). 

2. Giác quan

Các bài tập dành cho trẻ đảm bảo trẻ  vận dụng cả 5 giác quan để phát triển toàn diện.

Montessori

3. Ngôn ngữ

Trẻ được khuyến khích thể hiện, bày tỏ bản thân mình bằng lời, trẻ được hướng dẫn cách nhận biết mặt chữ và tô chữ…

4. Toán học

Trẻ được làm quen với các biểu tượng số học thông qua nhận biết về lượng mang tính cụ thể, từ đó nhận biết các con số, các phép tính về số học (cộng, trừ, nhân, chia) đơn giản,… 

5. Văn hóa (Lịch sử, Địa lý, Khoa học, Nghệ thuật)

Trẻ được học về các đất nước, động vật, thời gian, lịch sử, âm nhạc…

 

montessori-la-gi

Nguyên tắc của phương pháp Montessori

1. Tôn trọng, không áp đặt trẻ

Phương pháp Montessori là gì? Đó là phương pháp giáo dục có nguyên tắc quan trọng về “Tôn trọng quyền tự do của trẻ khi chọn cách học”. Ở các lớp học Montessori, trẻ được tự do lựa chọn hoạt động yêu thích theo nhịp độ phát triển của từng trẻ, ưu tiên sự phát triển tính tập trung và cá nhân.

Việc thầy cô và ba mẹ áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ, bắt trẻ phải theo ý mình hoàn toàn đi ngược với nguyên tắc Montessori sẽ khiến cho trẻ mất đi khả năng tư duy vốn có.Vì vậy, hãy để trẻ tự do khám phá trong nhà và ngoài trời theo cách của riêng mình, miễn sao trẻ được bảo đảm an toàn. Hãy để các con tiếp thu những cái mới một cách tự nhiên theo hướng trẻ muốn. Từ đó, trẻ sẽ học được cách tự lập và kích thích trí tuệ của trẻ phát triển.

2. Học tập luôn đi kèm với thực hành

Cách tốt nhất giúp trẻ vận dụng tốt được những điều học được là để trẻ tham gia vào các hoạt động thực tiễn. Trẻ có xu hướng bắt chước những hoạt động mà bản thân quan sát được. Do đó, mục đích của giáo dục Montessori là chỉ ra cách thực hiện các nhiệm vụ, để trẻ phát triển theo cách tự thực hiện chúng.

Trong các hoạt động thực hành cuộc sống, trẻ sẽ được trải nghiệm những kỹ năng thực tế như rót nước, tự mặc và cởi quần áo, để giày đúng nơi quy định, ăn uống lành mạnh hay chăm sóc môi trường bằng cách giữ lớp học sạch đẹp, tưới cây, quét bụi,… Ngoài ra, trẻ cũng được hướng dẫn  một số thói quen tốt trong cuộc sống như chờ đợi đến lượt mình, chờ hoạt động mình muốn làm hay đưa ra những lời nhận xét có tính chất xây dựng tích cực và biết lắng nghe người khác.
Những kỹ năng này sẽ giúp các con trở nên tự tin, chủ động và sẵn sàng cho cuộc sống tương lai.

phuong-phap-Montessori

3. Môi trường thân thiện, không tồn tại phần thưởng hay trừng phạt

Với quan niệm giáo dục truyền thống, trao thưởng để khuyến khích con đạt tới thành tích nào đó và trừng phạt khi con phạm lỗi bằng việc đánh đòn, la mắng, so sánh với các bạn khác là hai hình thức được áp dụng rất nhiều.

Tuy nhiên, giáo dục trẻ theo phương pháp Montessori không tồn tại và không được phép tồn tại trao thưởng và trừng phạt. Nếu trẻ làm sai một việc nào đó, hãy minh họa cách làm đúng cho trẻ. Hãy khích lệ, động viên và ghi nhận sự cố gắng của trẻ thay vì trao thưởng, khen ngợi. Đừng nghiêm trọng hóa vấn đề mà hãy tập trung giúp trẻ nhận thức được những việc trẻ làm chưa đúng.

4. Không làm ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ

Khi thấy trẻ đang say mê chơi một món đồ chơi nào đó, bố mẹ không nên xen vào ngoại trừ có một lý do đặc biệt. Trẻ cần sự tập trung để tìm ra nhiều cách chơi của riêng mình, cũng như giải quyết vấn đề gặp phải trong lúc chơi.

phuong-phap-montessori2

5. Thiên nhiên truyền cảm hứng cho trẻ

Theo tiến sĩ Maria Montessori, thiên nhiên giúp trẻ nhận thức được thực tế. Có rất nhiều hoạt động học tập và các cuộc phiêu lưu kỳ thú dành cho trẻ diễn ra ngoài trời với không khí trong lành thay vì ở tại lớp học hoặc trong nhà.

6. Giáo viên, ba mẹ chỉ là người hỗ trợ, đồng hành cùng trẻ

Với Montessori, trẻ sẽ là trung tâm của các hoạt động học tập. Nhà trường và gia đình phải chú trọng khai thác những tiềm năng có sẵn ở trẻ. Thầy cô giáo hay ba mẹ chỉ đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích trẻ chủ động với môi trường xung quanh và tự học theo năng lực và sở thích của riêng mình.

 

Mạng xã hội

Notice (8): Undefined variable: banner [APP/views/elements/slidebar_news.ctp, line 45]